Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh vừa ký ban hành Văn bản số 175/UBND-NCTH Về việc sử dụng địa danh ‘Hậu Giang” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Mít Hậu Giang”, gửi Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang.
Mít được trồng nhiều tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. |
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thống nhất chủ trương cho Liên minh Hợp tác xã tỉnh sử dụng địa danh “Hậu Giang” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Mít Hậu Giang” cho sản phẩm trái mít tươi của tỉnh Hậu Giang theo đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ Hậu Giang.
UBND tỉnh Hậu Giang giao Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ động phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn Liên minh Hợp tác xã tỉnh triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Trước đó, ngày 23/8/2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang đã gửi Tờ trình số 44/TTr-SKHCN Về việc cho phép Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hậu Giang sử dụng địa danh “Hậu Giang” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Mít Hậu Giang” cho sản phẩm trái mít tươi của tỉnh Hậu Giang đến UBND tỉnh Hậu Giang.
Tờ trình cho biết: Căn cứ Hợp đồng số 38/HĐ-KHCN ngày 04 tháng 12 năm 2020 giữa Sở Khoa học và Công nghệ Hậu Giang và Trung tâm Thông tin Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Hậu Giang về việc thực hiện dự án: “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng mít (Artocarpus heterophyllus Lamk.) đạt tiêu chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc theo công nghệ Blockchain tại tỉnh Hậu Giang”, để có đủ căn cứ pháp lý lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Mít Hậu Giang” tại Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ kính đề nghị UBND tỉnh cho phép Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hậu Giang sử dụng địa danh “Hậu Giang” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Mít Hậu Giang” cho sản phẩm trái mít tươi của tỉnh Hậu Giang, đồng thời xác nhận bản đồ vùng địa lý sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Mít Hậu Giang” tương ứng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện nay toàn tỉnh Hậu Giang có tổng diện tích cây ăn trái đạt 42.420ha, tăng 852ha so với cùng kỳ 2020 (41.568ha), sản lượng đạt 499.381 tấn. Trong đó: Cây có múi là 13.368ha, xoài 3.211ha, mít 7.924ha, mãng cầu xiêm 719ha, khóm 2.772ha, còn lại cây ăn trái khác 14.426ha. Hiện nay nông dân đang có xu hướng chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế như mít, mãng cầu xiêm… ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân không trồng tự phát khi chưa có thị trường đầu ra ổn định, đồng thời tăng cường hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, phòng ngừa các loại sâu bệnh để tăng năng suất và chất lượng cao.
Hậu Giang là một trong những tỉnh có diện tích trồng mít nhiều nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mít trồng tập trung nhiều nhất các huyện Châu Thành và Châu Thành A. Giá mít Hậu Giang có thời điểm 50-60 ngàn đồng/kg nhưng có lúc tuột giá xuống còn 05-06 ngàn đồng/kg. Thời điểm giá mít 50-60 ngàn đồng/kg đã đem lại nguồn lợi bạc tỷ cho nhiều nhà vườn trồng mít Hậu Giang.
Thu mua mít tươi để xuất khẩu tại tỉnh Hậu Giang (ảnh chụp trước dịch bệnh Covid-19 xảy ra). |
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết định hướng phát triển ngành Nông nghiệp là tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng và nông thôn mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các nhóm sản phẩm chủ lực; khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm; nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc nông sản; kết nối nông công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/su-dung-dia-danh-hau-giang-dang-ky-bao-ho-nhan-hieu-tap-the-mit-hau-giang-315248.html
Đăng nhận xét