HẬU GIANG TẬP TRUNG CHUYỂN ĐỔI SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP GẮN VỚI CHUYỂN ĐỔI SỐ

 Hậu Giang tập trung chuyển đổi sản xuất nông nghiệp gắn với chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc, nhằm tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

Tại Hậu Giang, đã có nhiều mô hình khuyến nông kết hợp giữa ứng dụng khoa học công nghệ gắn với truy xuất nguồn gốc và bao tiêu sản phẩm mang lại hiệu quả cao. Qua đó, phục vụ tốt hơn cho tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.


Ứng dụng khoa học công nghệ gắn với truy xuất nguồn gốc, nhiều sản phẩm nông sản của Hậu Giang có thị trường đầu ra ổn định, được người tiêu dùng ngày càng tin tưởng chọn lựa


Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, thời gian qua đơn vị đã xây dựng và thực hiện hàng chục mô hình khuyến nông trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Các mô hình này không chỉ tập trung ứng dụng khoa học công nghệ mà còn là nơi gắn kết giữa nhà thu mua nông sản với nhà nông, thông qua các hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm.

Nhiều người cho rằng, truy xuất nguồn gốc nông sản là “giấy khai sinh” cho nông sản hay là “hộ chiếu” bảo đảm đầy đủ, minh bạch thông tin cho sản phẩm khi ra nước ngoài.

Khi xây dựng các mô hình khuyến nông, cán bộ kỹ thuật luôn chú trọng đến những tiêu chuẩn trong sản xuất như: VietGAP, GlobalGAP, quy chuẩn an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc và cấp mã số vùng trồng. Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang còn hỗ trợ miễn phí cho nông dân ghi nhật ký điện tử trên trang: nongsanhaugiang.com.vn để thuận tiện trong truy xuất nguồn gốc.

Hợp tác xã dưa lưới Thuận Phát ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp là một thí dụ điển hình. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, 20 hộ xã viên của hợp tác xã với diện tích khoảng 4ha, có thể theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của vườn nhà, dù đang ở bất cứ đâu. Ông Võ Văn Trưng, giám đốc hợp tác xã cho biết: Kể từ khi đưa vào ứng dụng công nghệ tưới của Israel, lượng nước tưới giảm nhiều, sâu bệnh cũng ít hẳn, giảm được sức lao động của nhà nông. Các hộ trồng xoay vòng cho nên bình quân từ 7 đến 10 ngày cung cấp ra thị trường 7-8 tấn dưa lưới. Nếu hộ nào chăm sóc kỹ, doanh thu 1.000 m2 sẽ đạt gần 200 triệu đồng/năm.

Từ những ngày đầu lạ lẫm với xây dựng mã số vùng trồng, nay nhiều nông dân ở Hậu Giang đã thành thạo ghi chép nhật ký sản xuất, chuyển đổi sử dụng phân bón, thuốc hữu cơ, chế phẩm sinh học để tạo ra nông sản sạch đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Sự minh bạch đối với sản phẩm, hàng hóa và nhất là nông sản thì truy xuất nguồn gốc được xem như một giải pháp ưu việt và là một xu thế tất yếu. 

Chuyển đổi số trong nông nghiệp

Câu chuyện tại Hợp tác xã Trái cây sinh học OCOP (thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, Hậu Giang) là một điển hình trong thực hiện truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số trong nông nghiệp. Từ vài hộ dân tham gia liên kết với 15 ha, đến nay hợp tác xã đã có 265 hộ tham gia liên kết, với diện tích 300 ha. Hợp tác xã tiếp tục mở rộng mặt hàng nông sản xuất khẩu, tăng diện tích đạt chứng nhận GlobalGAP, mã số vùng trồng. Phấn đấu đến năm 2024, tổng sản lượng nông sản của tỉnh được hợp tác xã bao tiêu khoảng 4.500 - 5.000 tấn, đến năm 2027 nâng lên hơn 10.000 tấn, đồng thời mở rộng thành viên từ gần 100 lên hơn 400 thành viên.

Dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm bưởi tại Hậu Giang, người tiêu dùng chỉ cần sử dụng điện thoại quét mã là sẽ có đầy đủ thông tin về sản phẩm.


Theo ông Trần Bá Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Trái cây sinh học OCOP, sự minh bạch đối với sản phẩm, hàng hóa và nhất là nông sản thì truy xuất nguồn gốc được xem như một giải pháp ưu việt và là một xu thế tất yếu. Truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin. Xu hướng hiện nay là sử dụng công nghệ thông tin và các thiết bị điện tử để giúp cho việc cập nhật thông tin, quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm được thuận lợi.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, ông Trần Chí Hùng cho biết: Nông nghiệp Hậu Giang đang từng bước chuyển đổi sản xuất gắn với chuyển đổi số nhằm tạo bứt phá mới về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Những hiệu quả ban đầu từ các mô hình khuyến nông sẽ được xúc tiến chuyển giao, nhân rộng cho người nông dân, cùng với những chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, tin rằng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho nông nghiệp phát triển. Ðây cũng là cơ hội để Hậu Giang sớm thực hiện thành công chuyển đổi số ngành nông nghiệp.

Thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuât nông nghiệp ngày càng được sử dụng nhiều tại Hậu Giang, nông dân chỉ cần liên hệ với Tổ dịch vụ khuyến nông là sẽ được đáp ứng nhu cầu.

Ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành Sàn Giao dịch và truy xuất nguồn gốc “Nông sản Hậu Giang” (https://nongsanhaugiang.com.vn) được ưn dụng rộng rãi trên những thiết bị kết nối thông inh, nhất là điện thoại di động. Ðến nay, đã có gần 3.000 tổ chức và cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng. Có gần 400 ặt hàng nông sản, sản phẩm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia trên sàn giao dịch để quảng bá sản phẩm, giải quyết vấn đề truy xuất nguồn gốc nông sản, tăng cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp và góp phần giải quyết đầu ra nông sản của nông dân.


Nguồn: https://nongnghiep.vn/hau-giang-tap-trung-chuyen-doi-san-xuat-nong-nghiep-gan-voi-chuyen-doi-so-d338726.html

0/Đăng bình luận